
Xuất khẩu nông sản 2010 (25/06/2010 )
2009 được coi là năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng ...
KTNT - 2009 được coi là năm khó khăn đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu. Bước sang năm 2010, tình hình xuất khẩu, trong đó có các mặt hàng nông sản, dự báo sẽ khả quan hơn. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Diệu, Chủ tịch Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam (AGROMONITOR). Ông Diệu cho biết: Năm 2009, nền kinh tế toàn cầu suy thoái đã kéo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh, trong đó có nhóm hàng nông - lâm - thủy sản. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 15 tỷ USD, giảm 7% so với năm 2008. Có mấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm sút kim ngạch xuất khẩu: Thứ nhất, nhu cầu các mặt hàng liên quan đến công nghiệp chế biến hoặc bất động sản giảm nhanh như cao su, đồ gỗ. Thứ hai, tiêu thụ các mặt hàng nông sản thực phẩm phục vụ nhóm tiêu dùng thu nhập cao gặp khó khăn do thu nhập giảm và trở ngại về rào cản kỹ thuật như thủy sản, càphê. Thứ ba, việc Việt Nam chưa đa dạng hóa nhiều sản phẩm trong một ngành hàng và phụ thuộc lớn vào một số phân khúc của các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU hoặc Trung Quốc nên dễ gặp rủi ro khi các thị trường này suy thoái. Năm 2009, chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực, trong đó có thủy sản, tuy nhiên, mặt hàng này chỉ tăng về lượng còn giảm về giá trị. Theo ông đâu là nguyên nhân? Kim ngạch xuất khẩu nông sản nước ta suy giảm chủ yếu do giá cả giảm mạnh, hoặc sản xuất công nghiệp suy thoái. Riêng đối với thủy sản, tính đến ngày 15/11/2009, Việt Nam đã xuất khẩu 1.050 tấn thuỷ, hải sản các loại, đạt kim ngạch 3,67 tỷ USD, giảm 4,9% về khối lượng và 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, có thể thấy tốc độ giảm của kim ngạch xuất khẩu cao gần gấp đôi so với tốc độ giảm của khối lượng. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do: Thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Thuỷ sản (đặc biệt là tôm) được đánh giá là mặt hàng thực phẩm cao cấp, giá thành cao nên khi xảy ra khủng hoảng, người dân thắt chặt chi tiêu, lượng cầu giảm tạo áp lực đẩy giá đi xuống. Thứ hai, sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu củaViệt Nam đều xuất khẩu qua trung gian chứ chưa đến được trực tiếp người tiêu dùng tại các nước. Lợi nhuận lẽ ra thuộc về các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thì lại rơi vào tay các nhà phân phối và bán lẻ tại các nước nhập khẩu. Thứ ba, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu, thiếu phối hợp giữa các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng là một trong những nguyên nhân khiến mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu nước ta thường xuyên bị ép giá tại thị trường quốc tế. Ông có thể cho biết những dự báo, nhận định của AGROMONITOR về thị trường nông sản năm 2010? Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi, mức tăng trưởng chung của năm 2010 sẽ đạt 3,2% và tốc độ tăng trưởng có vẻ sẽ khả quan hơn ở những nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là khu vực châu Á. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu được hỗ trợ mạnh từ chính phủ hơn là sự hồi phục thực sự của sản xuất và tiêu dùng, trong khi người dân các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ, có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn. Do vậy, chúng ta chưa thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu nông sản trong năm 2010. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường xuất, nhập khẩu nông sản sẽ có một số xu hướng sau: Theo ông, để xuất khẩu nông sản đạt kết quả như mục tiêu đề ra, chúng ta cần triển khai những giải pháp gì? Bối cảnh thị trường đang có thay đổi mạnh mẽ sau khủng hoảng, chúng ta cần phải có những điều chỉnh trong cả ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, các doanh nghiệp cần chủ động cắt giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa mặt hàng và đặc biệt là tìm kiếm thị trường mới, trong đó có thị trường nội địa. Về phía Nhà nước, cần có chính sách đầu tư mạnh và hiệu quả vào các hoạt động xúc tiến thương mại. Về dài hạn, cần tổ chức tốt các chuỗi giá trị ngành hàng, đảm bảo quyền lợi các tác nhân tham gia chuỗi giá trị bằng cách tăng cường môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ngoài ra, cần làm tốt việc xây dựng thương hiệu; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; quy hoạch sản xuất; chủ động tìm hiểu thị trường, nắm bắt các thông tin về nhu cầu, luật lệ, đối thủ cạnh tranh; làm tốt công tác dự báo thị trường. Một trong những vấn đề quan trọng để đạt mục tiêu xuất khẩu là phải làm tốt công tác dự báo. Vậy theo ông, công tác dự báo của chúng ta thời gian tới sẽ phải thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả? Công tác thông tin thị trường được nhắc đến nhiều sau khi nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và có những biến động của thị trường nông sản, nhưng tôi có cảm giác là các bộ, ngành chưa triển khai một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ một cách triệt để ở cơ chế, kinh phí đầu tư và con người. Chúng ta thiếu cán bộ phân tích thị trường, cán bộ thu thập thông tin được đào tạo bài bản, nhất là thiếu những người có đủ tầm trong việc hoạch định và tổ chức công tác dự báo thị trường hiệu quả. Đã đến lúc, Chính phủ cũng như các bộ ngành cần một quyết tâm thực sự trong công tác này, thể hiện bằng một chương trình đầu tư thực sự. Chỉ cần bỏ ra 1% doanh thu xuất khẩu ngành hàng gạo cho đội ngũ phân tích để làm tốt công tác dự báo phục vụ chính sách, kinh doanh là chúng ta có thể đem lại lợi ích cho hàng triệu nông dân. Xin cảm ơn ông! Quỳnh Hương (thực hiện) Nguồn :http://www.kinhtenongthon.com.